Doanh nghiệp chế biến gỗ: lợi thế riêng, khó khăn chung

Doanh nghiệp chế biến gỗ: lợi thế riêng, khó khăn chung

Trong những năm gần đây, doanh nghiệp chế biến gỗ tăng nhanh về số lượng, lên tới 2562 doanh nghiệp, trong đó trên 420 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, hiện nay, dù là doanh nghiệp “thuần Việt” hay doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực này đều đang vấp phải những khó khăn chung.

Lợi thế riêng

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, một đặc điểm dễ nhận thấy là các doanh nghiệp chế biến gỗ “thuần” Việt Nam yếu thế hơn các doanh nghiệp chế biến gỗ có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp FDI có nhiều cơ hội tiếp cận và đã áp dụng công nghệ chế biến gỗ hiện đại để sản xuất mặt hàng gỗ xuất khẩu. Do vậy, tuy chiếm tỷ lệ không cao nhưng trên 60% kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ lại nằm ở các doanh nghiệp FDI.

Ông Quyền cũng cho biết, trên phạm vi toàn quốc phân bố doanh nghiệp chế biến gỗ không đều, trong đó miền Bắc chiếm 14%; vùng Bắc Trung Bộ chiếm 6%; còn lại 80% tập trung ở Vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Hiện có trên 400 doanh nghiệp trong ngành gỗ có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Bạch Tuyết – Giám đốc công ty cổ phần Woodsland cho rằng, chủ trương tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế. Với việc duy trì 2 mức lương tối thiểu khác nhau cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng là một áp lực lớn cho doanh nghiệp FDI trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Doanh nghiệp FDI không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển.

Và khó khăn chung

Năm 2009, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những thách thức mới và những khó khăn này không dành riêng cho doanh nghiệp “thuần Việt” hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Không thể không kể đến việc thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ bị thu hẹp. Đồ gỗ nội thất và bàn ghế ngoài trời vào Mỹ và EU sẽ giảm từ 30 – 35% và có những hợp đồng đã ký sẽ bị hoãn hoặc dừng hẳn.

Ông Quyền cho biết thêm: “Đúng ra tháng 12 năm 2008 hoặc chậm nhất tháng 1, tháng 2/2009 phải ký hết hợp đồng của 2009 rồi, nhưng bây giờ đa số các doanh nghiệp mới ký được đến tháng 4 thôi, còn tháng 5, tháng 6 trở đi đang phải đi tìm’.

Hơn nữa, nguyên liệu là yếu tố quan trọng nhất trong ngành công nghiệp gỗ, chiếm tỷ trọng 60-70% giá thành. Hiện nay 80% lượng nguyên liệu sử dụng trong ngành công nghiệp gỗ là nguồn nhập khẩu và theo đánh giá của một số chuyên gia, việc này sẽ còn kéo dài khoảng 15 năm nữa. Trong khi 20% lượng nguyên liệu trong nước thì phụ thuộc rất nhiều vào ngành công nghiệp giấy do chưa có chủ trương rõ ràng về vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp gỗ.

Ngoài ra, ngày càng xuất hiện nhiều các hành vi bảo hộ thương mại tinh vi tại các thị trường lớn như Đạo luật Lacey của Hoa kỳ, Hiệp định “Tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ” (FLEGT) của EU. Đây thực sự là những khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ của nước ta.

Share this post

Trả lời