Ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương phát triển nhanh

Ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương phát triển nhanh

Theo đánh giá của Sở Thương mại – Du lịch Bình Dương, trong 3 năm qua, ngành chế biến gỗ phát triển nhanh và luôn đứng đầu trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực, chiếm tỷ trọng từ 18,6 – 22% tổng kim ngạch XK toàn tỉnh.

Ngành chế biến gỗ phát triển nhanh

Nếu năm 2004 XK gỗ chỉ đạt 461 triệu USD thì đến năm 2006 đã đạt 726,4 triệu USD. Đây cũng là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng ổn định nhất hiện nay và đạt bình quân đến 78,77%/năm. Với tốc độ này XK gỗ năm 2007 của tỉnh đạt 1 tỷ USD là khả năng thực hiện được.

Về thị trường XK, năm 2005 trở lại đây có sự chuyển biến mạnh mẽ, từ chỗ tập trung vào một số thị trường truyền thống và trung chuyển sang nước thứ ba thì hiện nay sản phẩm gỗ của Bình Dương đã trực tiếp XK sang các nước có người tiêu dùng. Thống kê từ ngành chức năng cho biết, hiện tại sản phẩm gỗ của Bình Dương đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường châu Á chiếm khoảng 53%, Bắc Mỹ chiếm khoảng 22%, châu Âu 11%, châu Úc chiếm 7 %…

Bên cạnh việc đứng đầu kim ngạch XK, ngành chế biến gỗ cũng là một trong những ngành chiếm nguồn lao động nhiều nhất hiện nay. Cũng theo Sở Thương mại – Du lịch, tổng số lao động trong ngành chế biến gỗ hiện nay lên đến 90.000, bình quân hàng năm lượng lao động cần cho ngành chế biến gỗ lên đến 10.000 – 12.000 lao động.

Nhưng doanh nghiệp vẫn lo

XK cao là vậy nhưng ngành chế biến gỗ cũng có những thách thức riêng, nhất là nguồn nguyên liệu và nguồn lực. Trong buổi làm việc của Bộ Thương mại với các doanh nghiệp chế biến gỗ Bình Dương vừa qua, nhiều ý kiến bức xúc đã được kiến nghị. Ông Nguyễn Văn Nghệ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Phát Triển (TX.TDM) cùng nhiều doanh nghiệp cho biết, nguồn nguyên liệu cho sản xuất gỗ chủ yếu là nhập khẩu, thế nhưng ở Việt Nam cũng chưa có chợ nguyên liệu cho ngành gỗ. Trong khi đó ở nhiều quốc gia là đối thủ cạnh tranh với chúng ta họ làm rất tốt vấn đề này. Cũng có nhiều doanh nghiệp ý kiến một số thủ tục đang “ngáng” chân doanh nghiệp, ngay như việc tận dụng khai thác gỗ tràm trong nước thì thủ tục không nhất quán giữa các địa phương, mỗi nơi mỗi khác. Còn nguồn gỗ nhập khẩu, qua đủ loại giấy tờ nguyên liệu mới được nhập về, khi về nước có cần thiết phải đóng búa kiểm lâm không?

Bên cạnh cái khó từ nguồn nguyên liệu, sự cạnh tranh về nguồn lao động cũng đang là nỗi lo cho doanh nghiệp, song đây cũng là điều tất yếu trước quy luật cung cầu. Cái đáng lo nhất mà nhiều doanh nghiệp bày tỏ hiện nay là nhận thức ở nhiều công nhân còn quá kém, chỉ suy nghĩ đơn thuần “mình là kẻ làm thuê cho chủ”, mọi bất đồng đều đổ lỗi cho doanh nghiệp. Trong khi đó, công nhân lại không nghĩ, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, điều quan trọng nhất để phát triển bền vững là nguồn lực.

Một kiến nghị nữa mà đại diện Công ty TNHH gỗ Kaiser (KCN Mỹ Phước 1, Bến Cát) làm “ngỡ ngàng” cho cả đại diện Bộ Thương mại. Theo đó, Công ty Kaiser xuất nhập khẩu cả chục container/ngày, hiện công ty đang chuyển hướng đầu tư từ nước ngoài sang Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy thứ 2. Thế nhưng giờ giấc làm việc ở một ngành chức năng nọ chưa thật sự là tác phong công nghiệp, 7 giờ 30 phút sáng thì còn rề rà, chưa đến 5 giờ thì đã lo nghỉ. Trong khi hoạt động của doanh nghiệp, hiệu quả được tính trên từng phút…

Tính đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 371 doanh nghiệp sản xuất và XK sản phẩm gỗ. Trong đó có 176 doanh nghiệp trong nước có vốn đầu tư 948,2 tỷ đồng và 195 doanh nghiệp FDI với vốn đầu tư 725,2 triệu USD. Trong 3 tháng đầu năm 2007, XK gỗ của Bình Dương tiếp tục đạt kết quả khả quan với 230 triệu USD, chiếm đến 39,4% kim ngạch XK gỗ của cả nước và vẫn là ngành hàng đứng đầu XK của tỉnh với giá trị chiếm đến 20,9% tổng kim ngạch XK.

Share this post

Trả lời